Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

ĐAM SAN - KHÚC TÌNH SỬ BI TRÁNG

        
          Một trong những thiên sử thi nổi tiếng của đồng bào Ê Đê Việt Nam ta là Trường ca Đam San. Tên đầy đủ là Bài ca chàng Đam San (tiếng Ê Đê là Klei khan Y Đam San).
          Thiên sử thi đã kể về một chàng tù trưởng trẻ tuổi tài năng lỗi lạc, với những chiến công hiển hách và tấm lòng đầy ắp khát vọng tự do. Đó là chàng Đam San.
          Theo tập tục của người Ê Đê là “nối dây”, tiếng Ê Đê gọi là “Chuê nuê”, nghĩa là chị chết thì em gái phải lấy anh rể… hoặc là trong gia đình, dòng họ “nối dây” vào trong cuộc hôn nhân.
          Đây là một tập tục hôn nhân cổ, và thời nay, một số rất ít trong buôn làng Ê Đê vẫn còn.
          Theo tục nối dây, Đam San phải  lấy hai chị em H’ Nhí và H’ Bhi, tuy chàng đã có người yêu. Chàng được hưởng tài sản rất giàu có của gia đình nhà vợ. Vốn săn tài năng, chàng đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt, đánh bại các tù trưởng khác trong vùng. Chàng thu được rất nhiều vùng đất mêng mông và đàn trâu, bò, voi, ngựa còn nhiều hơn cả cây rừng. Chàng trở thành người giàu có bậc nhất.
          Đã rất giàu có nhưng Đam San lại muốn giàu hơn, muốn thỏa ước bao nhiêu khát vọng… Chàng đã cưỡi ngựa lên trời, thấy Nữ thần Mặt tời xinh đẹp, chàng muốn bắt nữ thần về làm vợ… Chàng đâu biết rằng ý định ngông cuồng của chàng đã bị Nữ Thần Mặt Trời trừng trị. Chàng Đam San cả người lẫn ngựa đã bị nhấn chìm trong lớp bùn đen… trong nỗi đau của khát vọng và bi kịch. Kiếp luân hồi đã cho hồn chàng đầu thai vào người chị ruột và một Đam San con ra đời, lại một kiếp Đam San tiếp tục làm chồng dòng họ Hơ Nhí, Hơ Bhi…
          Thiên anh hùng ca Đam San xoay quanh hai chủ đề chính:
          Thứ nhất, đó là cuộc đấu tranh để thoát khỏi những ràng buộc của hôn nhân theo tập tục của chế độ mẫu quyền.
          Theo tập tục nối dây của đồng bào Ê Đê thời cổ, mối duyên tình Đam San và Hơ Nhí, Hơ Bhi đã có tiền định từ kiếp trước. Khi Hơ Nhí còn nhỏ, bà của Hơ Nhí đã chết, cô phải lấy ông làm chồng. Và ông của Hơ Nhí cũng nói cho Hơ Nhí biết  là sau này cô sẽ lấy Đam San…
          Mở đầu thiên tình sử là cảnh nhà gái đến nhà Đam San hỏi chồng cho Hơ Nhí và Hơ Bhi. Đam San đã cố tình chống lại. Nhưng Ông Trời đã định, đã “chống gậy hèo” đến sắp đặt … Đam San không thể cưỡng lại được và chàng đã phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục…
          Trong tình cảnh phải lấy mà không yêu, chàng Đam San đã thể hiện sự chống đối mạnh mẽ. Về nhà vợ, chàng trễ nãi công việc, lười nhác và dửng dưng, chàng chẳng quan tâm đến vợ… chàng đi lang thang và đã bỏ nhà vợ về ở nhà chị gái.
          Sự chống đối của chàng lên đỉnh điểm khi chàng đã mang rìu ra đốn cây Smuk, một thứ cây thần, là cây “linh hồn”, cây “tổ tiên” đã sinh ra Hơ Nhí, Hơ Bhi. Do hành động của Đam San như vậy mà Hơ Nhí, Hơ Bhi đã hai lần chết rồi sống lại. Hành động phản kháng của chàng cũng chẳng đi đến đâu, bởi lẽ tập tục còn nặng nề và chàng chưa đủ sức phá vỡ cái lô cốt tập tục kiên cố ấy. Bên cạnh đó, quyền lợi vật chất và quyền lực cũng đã níu kéo chàng. Đam San sống trong nhung lụa, “chàng không phải đặt chân xuống đất”, có nhiều voi và nhiều tôi tớ quanh mình… Dù vậy, những người vợ của Đam San cũng rất xinh đẹp, sống gần nhau và năm tháng đã làm cho chàng nảy sinh tình cảm yêu thương… Khi những người vợ của chàng chết, chàng đã khóc “từ sáng đến tối, từ tối đến sáng”, chàng xem đó là “người mà thần linh đã cho chàng”, chàng tha thiết kêu than trời đất cho vợ chàng sống lại, chàng đã nói lời tha thiết: “Tôi là lá đa, tôi quyến luyến với cây đa”. Đây là những tình tiết rất phức tạp và đầy mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh chống tập tục “nối dây” của Đam San. Dù vùng vẫy thì chàng Đam San cũng chưa thể tự giải phóng và thoát khỏi chế độ mẫu quyền.
          Đáng chú ý là Đam San chết đi thì Đam San cháu được đầu thai và ra đời từ người chị ruột của chàng. Đam San cháu cũng rất giống ông cậu. Lại cảnh lặp lại ban đầu như định mệnh là Hơ Nhí, Hơ Bhi lại đi hỏi chồng và Đam San cháu lại về làm chồng Hơ Nhí, Hơ Bhi. Điều này càng thể hiện sự mâu thuẫn trong tư tưởng của tác giả dân gian. Đam San anh hùng, dũng cảm  nhưng tập tục còn nặng nề, chưa thể phá bỏ, dù chàng đã vươn lên, khẳng định sức mạnh, vị trí vai trò của đàn ông trong xã hội.
          Thứ hai, là chủ đề của thiên sử thi về cuộc đấu tranh chống lại những tù trưởng thù địch để bảo vệ bộ tộc và mở rộng cư trú của buôn làng.
          Thiên sử thi đã miêu tả hai trận đánh oanh liệt của Đam San với các tù trưởng hùng mạnh khác như  Mơ tao Grư (Tù trưởng Chim Ó), Mơ Tao Mơ Xây (Tù trưởng Sắt)… những tù trưởng này muốn cướp đất, cướp những người vợ xinh đẹp của Đam San, bắt gia đình, bộ tộc của Đam San làm tôi tớ cho chúng… Với tài năng của mình, Đam San và bộ tộc đã chiến thắng. Với chiến thắng này, Đam San và bộ tộc mình đã mạnh hơn bao giờ hết: “Trong nhà, người ta đi lại chen chúc nhau, vai sát vai, vú sát vú. Trong lòng ai cũng hoan hỉ vì có người Tù trưởng thật oai hùng, có không biết cơ man nào là chiêng đồng, là voi nhà, là rừng núi, đã từng thắng không biết bao nhiêu là địch. Oai linh vang tận đến các thần núi từ phía Đông cho tới phía Tây”.
          Dù giàu có và quyền lực vô cùng nhưng Chàng Đam San đã không thỏa mãn. Chàng đã có suy nghĩ thật ngông cuồng là tìm đường lên trời, mong chiếm Nữ thần Mặt Tời làm vợ. Chàng đã phải chết trong sự ngông cuồng ấy.
          Cái chết của Đam San mang âm hưởng bi kịch vì cái chết ấy đã nói lên sự mâu thuẫn giữa khát vọng vô bờ của người anh hùng và khả năng hữu hạn của con người.
          Thiên anh hùng ca Đam San đã phản ánh những nét hiện thực của xã hội dân tộc Ê Đê của chúng ta trong những ngày mông muội của lịch sử quan hệ thị tộc - bộ lạc, trong tàn dư của chế độ mẫu quyền đang phổ biến. Đam San tiêu biểu cho lực lượng mới đang lên. Là đại diện cho lực lượng của chế độ phụ quyền phôi thai nhưng chưa chiếm được ưu thế. Hình ảnh Đam San là hình ảnh của người Tù trưởng anh hùng, thông minh, dũng cảm, là người đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với thiên nhiên, với các trở lực để bảo vệ bộ tộc và mở mang bờ cõi. Hình ảnh Đam San là hình ảnh lý tưởng của nhân dân Ê Đê chúng ta trong khát vọng đấu tranh cho tự do.
          Người anh hùng Đam San đã được miêu tả với những nét tượng trưng, phóng đại, giàu chất thần thoại đã khắc họa một giai đoạn của lịch sử xã hội thời bấy giờ.
          Đây là tác phẩm thuộc thể loại sử thi anh hùng ca dân gian. Người Ê Đê gọi thể loại này là “Khan”, là loại chuyện kể bằng văn vần  có xen kẽ văn xuôi. Khi diễn xướng có kèm theo đối đáp và điệu bộ… Thể loại này cũng phổ biến trong một số dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên như Gia Rai (gọi là Akhan); Ba Na (gọi là hơ mon), dân tộc Cadong (gọi là hơ muôn)…
          Thời gian sẽ trôi đi, nhưng Trường ca Đam San vẫn còn đó, vần là dòng chảy hào hùng dũng mãnh qua bao thác gềnh của những biến động lịch sử mà không hề phôi pha. Chàng Đam San anh hùng, tài giỏi; những nàng Hơ Nhí, Hơ Bhi đẹp cho gió rừng quên thổi, mây quên bay, chim ngẩn ngơ quên hót trong những cánh rừng; Nữ Thần mặt trời nóng bỏng và cuồng nhiệt đã từng thiêu cháy một anh hùng… vẫn còn đó huyền thoại và bi tráng một khúc tình ca đất đỏ bzan xanh…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét